Jaisalmer, thành phố Vàng nằm trong lòng sa mạc Thar là một điểm đến vô cùng hấp dẫn cho những tín đồ mê bụi đường. Cái tên “Jaisalmer” có nghĩa là “Pháo đài trên đồi Jaisal” được xây dựng từ thế kỷ XII nổi bật với kiến trúc bằng đá sa thạch vàng, những ngôi đền thờ đạo Jain và những mái vòm Havelis được trang trí một cách công phu. Hầu hết những du khách đến Jaisalmer ngoài tham quan pháo đài cổ, đều rất háo hức tham gia hành trình theo dấu chân lạc đà vượt qua sa mạc, cắm trại dưới bầu trời đêm đầy sao ở vùng đất viễn biên này.
Về sa mạc Thar
Khô cằn, nhưng đầy hấp dẫn. Chào mừng bạn đến với xứ sở lạc đà, cồn cát, bụi gai, sa mạc của Ấn Độ. Sa mạc Thar không hề trống rỗng, là sa mạc có đông dân nhất thế giới với khoảng 38 triệu người sinh sống với nhiều dân tộc, làng mạc nằm rải rác trên khoảng 280 nghìn km² với đủ loại cảnh quan từ bán hoang mạc đến hoang mạc hay cùng với hệ thực vật và động vật cùng sinh tồn thích nghi với khí hậu khô hạn này.
Con đường đến với sa mạc
“Bạn sẽ cắm trại ở sa mạc Thar vào buổi tối ư?” anh quản lý của khách sạn trả lời khi tôi hỏi anh ta về chuyến đi đến với sa mạc Thar trên lưng lạc đà. Tôi đã đăng ký ngay vì ý nghĩ ngắm sao trong đêm quá hấp dẫn để cưỡng lại.
Sau một đêm trằn trọc háo hức, 9 giờ sáng hôm sau xe Jeep đến đón tôi đúng giờ, cùng đoàn có một cô bạn người Đức, ba anh bạn lần lượt là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Mexico. Ra khỏi thị trấn Jaisalmer, mọi thứ dường như u tịch, cảnh khô hạn dần thay thế cho cây cối kéo dài đến tận biên giới Ấn Độ – Pakistan.
Xe chạy khoảng 30km thì dừng lại ở một ngôi làng bỏ hoang tên là Kuldhara. Từ nhiều thế kỷ trước, những cư dân sống ở đây rời bỏ ngôi làng vì sự uy hiếp từ giai cấp thống trị Bà la môn, họ để lại lời nguyền rủa cho vùng đất này, từ đó Kuldhara vẫn không có người sinh sống, hoang vu tiêu điều.
Hai bên đường cứ cách một khoảng không trống rỗng lại xuất hiện những ngôi làng, những túp lều làm bằng cỏ, những người thuộc mọi tôn giáo như Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo, Hồi giáo sinh sống hòa thuận trong miền đất cằn cỗi này tự bao đời.
Xe dừng ở một hồ nước khá nhỏ, bán kính không quá 30 mét, là hồ nước duy nhất trong vòng 20 dặm, cung cấp nước cho 20 ngôi làng xung quanh đó. Phía bên kia hồ, một nhóm khoảng 30-40 phụ nữ chân trần đi trên cát đội nước từ hồ về làng.
Làng mạc xa dần, sau khoảng một giờ đi xe, xung quanh sa mạc các ngôi làng thưa vắng dần dần được thay thế bởi các loại cây thấp, bụi rậm, xương rồng. Càng đi xa, sa mạc càng vắng lặng, chỉ một lúc sau không còn nghe thấy gì ngoài tiếng gió, tiếng động cơ xe jeep giữa khoảng không rộng lớn này.
Thư thái với Lạc đà – Đoàn tàu của Sa Mạc
Khoảng giữa trưa, mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, dừng lại trên con đường mòn ở làng Khuri, nơi chúng tôi gặp hướng dẫn viên và những chú lạc đà cùng đồng hành. Hai người hướng dẫn tên là Ani và Sambu cùng năm chú lạc đà lạc đà, hai con cái tên Laki và Umo, ba con đực còn lại lần lượt là Dino và Oki và Zani. Tôi ngồi trên Dino, chú lạc đà dẫn đầu đoàn, tính cách hơi cộc cằn, già cỗi và khó chịu, hay hắt xì và đi chập choạng. Tôi cảm thấy hoang mang trong quãng thời gian đầu làm quen với thăng bằng trên lưng Dino, phải mất một lúc sau tôi mới làm quen với nhịp điệu bước đi dần đều của chúng.
Trước mặt chúng tôi là sa mạc Thar rộng lớn, các cồn cát hoang vu với các hoa văn tự nhiên của các lằn răn do tác động của gió. Dino bước đi một cách duyên dáng, dễ dàng nhấc chân khỏi cát một cách nhịp nhàng. Chỉ có gió, ríu rít giữa khung cảnh bao la, vắng lặng, đầy cát với thỉnh thoảng có tiếng chim hót làm gián đoạn sự tĩnh lặng này. Đoàn lạc đà di chuyển đến dần chiều, khoảng 4 giờ thì đến địa điểm cắm trại, chỗ này cách biên giới với Pakistan dè chừng vài ba cây số.
Ani thu thập một vài viên đá và củi, đốt lửa còn Sambu nhào bột, nước, muối và một chút dầu để làm bánh chapatis cho bữa tối. Gần đó, đàn lạc đà đang nghỉ ngơi phơi mình mặc kệ cái nắng chiều hắt xuống như thiêu đốt. Phía trước tôi là cồn cát Sam, là cồn cát lớn nhất ở Jaisalmer, với độ cao từ 45 đến 50m. Tôi dần dà đi lên, ngắm một trong những cảnh hoàng hôn lộng lẫy nhất mà tôi từng thấy, lần đầu tiên trên sa mạc, những sắc hồng sắc đỏ của những khoảnh khắc cuối ngày đan xen thêm những gam màu cho chốn sa mạc cô tịch này.
Camel Safari Jaisalmer
Anh Sambu vẫn loay hoay sắp làm xong bữa tối, chapati và cà ri cùng trà Chai masala. Thi thoảng, Sambu lại cất giọng hát những bài hát dân ca Rajasthani.
Trời về đêm se lạnh, chúng tôi quây quần bên đống lửa. Nhiệt độ giảm nhanh chóng, cậu bạn Mexico bắt đầu hát, mọi người cùng nhau ngân nga. Chúng tôi có trà Chai nóng và đồ ăn nhẹ, sau đó là bữa tối. Cùng nói nhau nghe những câu chuyện du lịch – những trải nghiệm hài hước, đáng sợ, kỳ quái trong những chặng phiêu lưu của mọi người.
Lửa tàn, đêm lạnh tanh, trời cũng trong và đầy sao. Tôi vác máy ra soi đèn phơi sáng, cả buổi tối cứ canh chạy chụp hì hục mà quên cả cái lạnh buốt của trời đêm sa mạc. Nửa đêm, Sambu lại pha Chai, mọi người tụm lại xuýt xoa ly Chai ấm nóng, tay run vì lạnh.
Chỗ ngủ của chúng tôi đơn giản là một chiếc nệm được trải trên cát, tiếp theo lấy thêm một tấm thảm khác để làm chăn và cùng nhau ngắm dải ngân hà đầy sao phía trên, cảm giác hư vô và trống rỗng lướt qua giữa màn đêm.
Sunset in Thar
Buổi sớm, tôi ngọ nguậy thức giấc vì lạnh buốt, nên trời phía sau hắt lên màu hồng loang lổ, ánh bình minh bắt đầu soi rọi bừng tỉnh mọi cảnh quan xung quanh, chim bắt đầu ríu rít, những chú lạc đà kêu inh ỏi báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
Anh Sambu đã thức dậy từ sớm để nấu Chai và làm bữa sáng cho mọi người. Tôi ngồi cạnh Dino hóm hỉnh miệng còn nhai ngồm ngoàm đầy cỏ, tay cầm cốc Chai và lặng nhìn mặt trời lên. Đây có lẽ là những phút giây đáng nhớ nhất, sa mạc Thar cằn cỗi và cô tịch nằm im ỉm đón những tia nắng đầu tiên trong ngày.
Trên đường trở về
Sau những phút giây thư thái dùng bữa sáng, mặt trời lên rất nhanh, nhiệt độ tăng đột ngột và cảm giác bỏng rát nóng nực dần thay thế cho cái lạnh của buổi sớm.
Trải nghiệm qua đêm ở sa mạc kết thúc, chúng tôi lại theo dấu chân lạc đà về điểm tập kết hôm trước. Chia tay Dino và những chú lạc đà, chia tay hai anh dẫn đoàn, chúng tôi lên xe về lại thị trấn Jaisalmer với nhiều xúc cảm, sa mạc kia xa dần sau những lớp bụi mờ, không biết phải bao giờ, mới quay trở lại vùng đất cằn cỗi với những con người dễ mến này.
Nên đến Thar Desert – Jaisalmer vào thời gian nào
- Thời gian tốt nhất để đến thăm Thar Desert là từ tháng mười đến tháng ba năm sau.
- Hạn chế đi mùa hè nắng nóng nhiệt độ có thể lên đến 46-50 độ.
- Jaisalmer đã có sân bay thương mại, bạn có thể đến đây từ các thành phố lớn của Ấn như Delhi, BomBay…
- Bạn có thể đáp chuyến bay tới Jaipur như mình và đi tàu nối chuyến hoặc đi Bus để đến Jaisalmer.
- Hệ thống đường sắt của Ấn Độ rất phát triển, nhà ga đường sắt ở Jaisalmer được kết nối tốt với các thành phố lớn khác như Delhi, Jaipur, Agra và Jodhpur.
- Một mạng lưới đường bộ cũng được được thiết kế tốt kết nối Jaisalmer với các vùng khác của Rajasthan và các bang lân cận. Bạn có thể đi xe Bus vận chuyển tư nhân hoặc nhà nước từ Bikaner, Barmer, Mount Abu và Ahmedabad.
- Mạng lưới app đặt xe bus ở Ấn Độ rất phát triển, bạn có thể thoải mái lựa chọn hãng xe phù hợp cho mình.
- Có nhiều tour “Desert Safari” với các gói từ một đến bốn ngày cho bạn lựa chọn, bạn có thể chọn mua tại khách sạn lưu trú, hoặc các anh lơ mời chào giới thiệu. Mình chọn gói tour 1 ngày với 1300 Rupee (khoảng 550k VNĐ) cho total dịch vụ đón trả tại khách sạn.