Chợ nổi – nét duyên của vùng đất Nam Bộ
Nhắc đến miền Tây sông nước, không thôi nhắc đến những phiên chợ nổi sầm uất ở những ngã Năm ngã Bảy xuôi dọc từ sông Tiền, sông Hậu trải dài về tận Cái Nước Cà Mau. Nhịp sống ấy đặc trưng đến nỗi ai đặt chân đến miền Tây là muốn tới chợ nổi, nghe đờn ca tài tử. Đi thuyền trên vàm rạch, theo con nước lớn, nước ròng mà len lỏi các nhánh sông vào các miệt vườn cây trái, vựa cá lớn mà thưởng thức đặc sản sông nước đặc trưng Nam Bộ.
Về miền Tây nghe điệu Đờn ca. Ít ai biết rằng, nhịp phách căn bản của loại hình âm nhạc dân tộc đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại – đờn ca tài tử Nam Bộ là nhịp chèo thuyền. Vì thế, tiếng hát của các tài tử cứ khoan nhặt, đưa đẩy, mềm mại mà thong dong như ghe thuyền lướt đi trên sông nước.
Hiểu thêm về chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ
Cần Thơ – xứ sở gạo trắng nước trong hơn trăm năm qua vẫn giữ được truyền thống giao thương tại chợ nổi Cái Răng. Nằm trên trục đường thủy sông Hậu – kênh xáng Xà No. Từ ngày mới lập chợ, ghe tàu tập trung mua bán ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông là Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, nằm kế chợ Cái Răng trên bờ. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, do trở ngại về giao thông đường thủy. Chợ nổi được di dời về phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600 mét.
Cái Răng – tên gọi xuất phát từ câu chuyện thời xa xưa khai hoang, lập ấp. Tương truyền vùng sông nước này có một con cá sấu dạt vào đây với trạng thái răng đang ghim sâu vào bờ đất. Từ đó, người ta gọi quen dần và dùng tên Cái Răng để đặt cho chợ nổi.
Bình minh chập choạng những niềm trăn trở
5 giờ sáng, chúng tôi ngồi đợi ghe ở bến phà xóm Chài để xuôi vỏ lãi đến điểm họp chợ cách đó gần 1km. Khi trời còn nhá nhem, trăng chưa lặn, bình minh dần đỏ ửng trên nền trời thấp thoáng. Thuyền dần tấp nập, với tiếng động cơ, tiếng kêu gọi í ới, chú Hận vừa lái vừa trầm ngâm kể cho chúng tôi nghe về ngày xưa. Lúc chú còn nhỏ, thời cầu chưa xây, lúc đường xá chưa phổ biến, chợ nổi này tấp nập mỗi sáng hàng trăm ngàn ghe đò.
Ngày nay, khi cầu đường ngày càng phát triển. Các ghe thương hồ ít dần, bà con xóm ấp trong vòng vài dặm cũng không còn thường xuyên đi lại bằng thuyền, vỏ lãi, xuồng ba lá nữa. Số ít còn lại chuyển qua chạy chuyến chở hàng cho các miệt vườn cây trái.
Ghe xuôi dòng họp chợ
Không giống những khu chợ trên đất liền, hầu hết các chợ nổi ở miền Tây đều bắt đầu tụ họp khi tờ mờ sáng. Tầm 3 giờ sáng, những ảnh đèn theo ghe lớn nhỏ, vỏ lãi, xuồng năm lá, ba lá xuôi ngược… chở hàng lấp loáng theo những kênh rạch quây quần tại chợ nổi.
Chợ bắt đầu với những thanh âm rộn rã tiếng chào hàng hỏi thăm nhau từ người bán, người mua. Khung cảnh nhộn nhịp với một bức tranh sống động. Mặt trời ló dạng cũng là lúc mà hầu hết ghe đò đều tập kết đầy ắp những những cá tôm, cây trái tươi ngon bốn mùa.
Những ghe tàu không chỉ từ trong vùng, tại chợ nổi Cái Răng có nhiều thuyền bè của những lái buôn từ Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng đổ dồn về đây cùng họp chợ. Sau khi nhận hàng thì ghe, thuyền tỏa theo các ngả, thường tới 10 giờ sáng là vãn chợ.
“Cây bẹo” – biển hiệu của chợ nổi
Đối với ai đến chợ nổi lần đầu chắc chắn đều cảm thấy tò mò và thích thú bởi hình ảnh cây bẹo được treo trước mỗi đầu ghe. Mục đích sử dụng cây bẹo là để quảng cáo mặt hàng mình cần bán, thường bán thứ gì sẽ treo lên cây bẹo thứ đó. Cây bẹo thường được làm bằng tre, bẹo càng dài, trang trí càng đẹp càng dễ thu hút người mua dễ nhận biết để đến mua hàng. Đây là phương thức mời chào mua hàng đơn giản, gần gũi và rất đặc trưng của vùng sông nước.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có thể thuận lợi treo trên cây bẹo, ví dụ như những con cá nhỏ sẽ khó thấy từ xa, hay như những trái dừa, trái sầu riêng… nặng thường sẽ để trước mũi ghe.
Tuy nhiên không chỉ gói gọn là treo gì bán đó. Để hiểu hơn “cây bẹo” thì nôm na có bốn cách hiểu:
- Treo gì bán đó: Chủ ghe treo những nông sản, hàng hóa mình bán lên cây, treo thứ gì bán thứ đó để chào mời người mua.
- Treo mà không bán: Cuộc sống trên ghe rày đây mai đó, họ xem ghe là nhà. Họ ăn uống giặt giũ trên ghe. Nên treo đồ những cây sào cây bẹo để hong khô chứ không bán buôn gì.
- Không treo mà bán: Là những ghe tam bản di động như cafe, bún riêu, hủ tiếu bánh canh,… Họ sử dụng ghe nhỏ để len lỏi qua hàng trăm ghe thuyền để chào hàng. Những ghe này không treo cây bẹo để mời gọi mà đến tận nơi để bán cho thực khách.
- Treo cái này bán cái khác: Là những chủ ghe sắp “giải nghệ”. Họ không thể nào treo 1 chiếc ghe lên bẹo để bán. Khi ấy họ sẽ treo 1 chiếc lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa lên trên. Để người khác hiểu rằng chủ nhân chiếc ghe đó muốn bán ghe.
Thưởng thức bữa sáng và cây trái trên thuyền
Sáng lênh đênh trên chợ nổi, bạn sẽ cảm thấy đói và thèm được ăn. Bởi hương bún riêu và mùi mắm tôm lan tỏa qua những làn hơi nóng bốc lên. Bên cạnh các thuyền buôn bán hàng hóa, chợ còn có những ghe bán đồ ăn di động sẵn sàng xua tan cái đói cồn cào của du khách. Ở đây có cả những ghe lỉnh kỉnh nồi niêu bếp núc để làm nên bún nước lèo, bún riêu nóng hổi cho bữa sáng. Những chiếc xuồng bày sẵn bánh tằm, cà-phê, trà, nước trái cây, nước dừa…
Người bán thì ngồi lọt thỏm giữa ghe tay thoăn thoắt cho ra tô bún riêu, tô hủ tiếu nóng hổi, ngon lành cho những thực khách. Còn gì bằng khi ngồi trên ghe dập dềnh buổi sớm mai, nhìn cảnh thuyền bè râm ran qua lại. Thưởng thức một tô hủ tiếu, làm ly cafe sóng sánh nhiều sữa đặc – thiệt nhẹ nhàng.
Ngoài ra, bạn còn có thể ngồi trên ghe thưởng thức trái cây, từ những loại trái cây như xoài, ổi, mận, chuối được cô Năm, dì Bảy chào bán trên những chiếc ghe tam bản.
Bún riêu, hủ tíu Nước dừa, cà phê, sữa đậu nành
Vãn chợ
Chợ chỉ họp buổi sáng đến tầm 9 giờ thì vãn. Lúc này, ghe, thuyền tỏa đi các hướng khác nhau, để lại một khung chợ tĩnh lặng, đến sáng sớm hôm sau mới nhộn nhịp trở lại. Những chiếc ghe thương hồ khác sẽ tấp vào bờ chuẩn bị cho phiên sáng ngày hôm sau. Những người rày đây mai đó gắn bó với chiếc ghe con nước, họ là người đi buôn chuyến đường sông, cuộc sống của họ, giản dị trên các ghe bầu đầy nông sản.
Lời kết:
Giữa nhịp sống hối hả và bộn bề, miền Cần Thơ vẫn còn lưu giữa một loại hình giao thương đặc biệt chỉ có ở vùng sông nước. Nếu có dịp đến với miền đất phù sa này, bạn hãy dạo sớm Cái Răng, một tô hủ tiếu, một ly cà phê “ghe” sóng sánh nhiều sữa, cây trái tấp nập đầy ghe. Ở đây, bạn sẽ còn bắt gặp hình ảnh cuộc sống rất đỗi gần gũi khiến ai cũng muốn quay trở lại. Có phải chăng vì thế, người ta mới ví: “Cần Thơ gạo trắng nước trong – Ai đi đến đó lòng không muốn về”.