Chút thân quen với đại ngàn
Tôi sinh ra ở miền đồng bằng ven biển, không có một chút ấn tượng gì về thênh thang núi đồi hay bầu trời rộng mở qua những góc nhìn phố núi. Chỉ nhớ, lớn lên, có cảm xúc đặc biệt khi đặt chân đến những vùng đất mới, cũng chẳng đếm hết quãng ngày, tháng ấy đã bao lần căng bắp chân rẻo bước trên những núi đồi trong những ngày đầu thu.
Nếu như 4,5 năm về trước cụm từ “leo núi” còn mơ hồ so với nhiều người thì ngày nay nó trở thành một sở thích của nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên. Tôi đã từng đến với Tây Bắc đại ngàn nhiều lần, băng qua những đỉnh đèo huyền thoại, những mùa hoa mơ, hoa mận, hoa ban trắng muốt hay những cánh đồng lúa vàng khắp nẻo độ thu về. Thế nhưng còn một mùa hoa ở độ cao trên 2500m khiến ai cũng nhớ nhung khắc khoải – mùa hoa Chi Pâu (hoa mật rồng) ở núi Tà Chì Nhù (Yên Bái). Cứ tầm tháng 9, tháng 10 trở đi, những đôi chân mê leo núi lại rục rịch kéo lên Tây Bắc săn “gió núi, mây trời” cùng mùa hoa tím rực rỡ. Hôm nay, cùng “Chuyện người lữ hành” đến với Tà Chì Nhù – nóc nhà của Yên Bái.
Tà Chì Nhù ở đâu?
Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ bảy của Việt Nam với độ cao 2979 m, nằm ở bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Thuộc khối núi Phú Lương của dãy Hoàng Liên Sơn. Cái tên Tà Chì Nhù được các nhà leo núi đặt và được sử dụng thành thói quen, thực ra với người dân tộc Thái, nó có tên là Phu Song Sung, còn người Mông gọi là Chung Chua Nhà.
Được đánh giá là một trong những cung đường trekking khó nhất Việt Nam với những dốc cao, núi đá liên tục, nhiều cây bụi, trơn trượt trong những ngày mưa. Nhưng không vì thế lại làm giảm đi nét đẹp của nó, nhất là vào mùa hoa mật rồng lại có rất nhiều đoàn người đổ về để chiêm ngưỡng khung cảnh “tím lịm lìm sim” của loài hoa này. Giữa trời thu với những thực vật xanh mượt tràn đầy nhựa sống, một nét chấm phá với màu tím của sắc hoa Chi Pâu rực rỡ tôn lên vẻ đẹp tinh khiết giữa bầu trời trong veo, xanh thẳm.
Nếu là một người ưa các hoạt động leo núi, hẳn bạn không thể bỏ qua Tà Chì Nhù. Khám phá phong cảnh tuyệt đẹp ở độ cao gần 3000 mét với những thảm thực vật cận nhiệt, mây trời, gió núi như một cuộc phiêu lưu của tinh thần.
Thời điểm thích hợp leo núi Tà Chì Nhù
Căn cứ vào địa hình và khí hậu để lựa chọn thời điểm leo núi cho phù hợp. Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là quãng thời gian lý tưởng để để leo Tà Chì Nhù.
Tuy nhiên, do địa hình lên cao đột ngột nên thời tiết thay đổi thất thường, vì vậy bạn nên lưu ý yếu tố thời tiết để tránh nhiều trở ngại khi leo núi.
Mùa đẹp nhất trong năm ở Tà Chì Nhù là vào tháng 10, thời điểm hoa tím Mật rồng (Chi Pâu) nở rộ khắp Tà Chì Nhù và các đỉnh núi lân cận hấp dẫn nhiều dân leo núi tìm đến và chinh phục.
Làm thế nào để đến núi Tà Chì Nhù
Chặng 1: Đoàn tụi mình có 4 người từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế đáp chuyến bay chiều đến Hà Nội rồi từ đó bắt chuyến xe đêm đến Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Chặng 2: Thị xã Nghĩa Lộ, bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
Đến Nghĩa Lộ lúc nửa đêm, tụi mình nhận phòng nghỉ ngơi. Tầm 5 giờ sáng bắt một chuyến taxi đến thị trấn Trạm Tấu. Mình có hẹn anh porter ở đây, mướn xe ôm di chuyển lên bản Xà Hồ ở điểm leo bắt đầu là Mỏ Chì.
Vì thời gian hạn chế, tụi mình lựa chọn đi xe khách, nếu bạn có quãng thời gian dài và muốn khám phá nhiều nơi hơn ở Yên Bái. Bạn có thể thuê xe máy từ Hà Nội tham quan cung Mù Cang Chải, Tú Lệ, Trạm Tấu hoặc leo các núi khác ở Yên Bái như Lùng Cúng, Tà Xùa.
Ruộng bậc thang Băng suối
Hành trình săn mây, ngắm hoa Chi Pâu ở tà Chì Nhù
Thị trấn Trạm Tấu – Mỏ Chì
Porter của tụi mình là hai vợ chồng người Mông là anh Raj. Như trao đổi từ trước, ảnh đã chuẩn bị đầy đủ đồ ăn cho suốt 2 ngày leo núi của tụi mình, Khoảng 7 giờ sáng, anh cùng đoàn xe ôm chở 4 đứa mình lên xã Xà Hồ đến điểm leo mỏ chì.
Quãng đường khoảng 25km và đi mất gần 40 phút. Trên đường đi sẽ bắt gặp nhiều thửa ruộng bậc thang chín vàng chuẩn bị vào vụ gặt. Anh Thắng, người chở tôi bảo rằng do điều kiện khí hậu ở Trạm Tấu mưa nhiều nên mỗi năm làm được 2 vụ lúa thay vì 1 vụ như các điểm vùng cao khác.
Khoảng 8 giờ, tụi mình tập trung ở Mỏ Chì. Vì quy định của mỏ, không được đi tắt mà phải đi vòng ven suối tầm 2 km mới đến điểm bắt đầu leo. Khoảng thời gian leo từ đây lên đỉnh từ 6-8 tiếng tùy sức khỏe của đoàn và thời tiết có mưa hay không.
Hành trình lên với đại ngàn
Mỏ Chì không băng qua được, thành thử ra phải đi vòng một quãng đường rất dài tầm 2km ven suốt khiến ai cũng thấm mệt. Tháng 10 vẫn còn mưa, suối chảy khá siết nên cả đám phải cởi giày vén quần dò dẫm từng bước lội qua suối.
Từ điểm leo cạnh mỏ chì thì dễ thở hơn chút xíu, khá thấp nên có một khoảng để dưỡng sức. Khoảng 11 giờ, dừng ở một khe suối dùng bữa trưa mới xôi mè rồi đi tiếp.
Quãng đường khó khăn nhất cũng bắt đầu, trời mưa, mưa rất to khiến đường trơn trượt và lầy lội hẳn. Vì ở độ cao từ khoảng 1800m trở lên, rừng nguyên sinh không còn thay vào đó là cây bụi. Đội mưa men theo đường mòn lên tới lán nghỉ là gần 4 giờ chiều, trời mới tạnh hẳn. Tụi mình mất 8 tiếng cho 10km mà trong đó hơn nửa quãng đường là đi trong màn mưa mù mịt.
Tà Chì Nhù nổi tiếng với những đoạn dốc dựng đứng và trơn trượt do mưa kèm mây dù dày đặc, con đường leo là đường mòn nhỏ và rất dốc, qua khỏi khu rừng rậm thì chỉ còn cây bụi thấp nên rất ít điểm bám.
Vì hầu như là đồi núi trọc, gió rít mạnh kèm theo mây mù thường xuyên khiến tầm nhìn bị hạn chế khi leo. Tuy nhiên càng về chiều tối, trời quang đãng dần và phần thưởng cho bạn là một bầu trời đêm đầy sao cùng món gà bản nướng mà anh Raj chuẩn bị cho nhóm.
Tím trời sắc hoa Mật Rồng (Hoa Chi Pâu)
Cứ mỗi dịp cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, từ độ cao 2400m trở lên ở khối núi này lại mọc lên một loài hoa tím biếc. Tên khoa học của nó là hoa Mật Rồng hoặc Đại Tử Đương Dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn), mọi người hay truyền tai nhau là hoa Chi Pâu theo nghĩa là “không biết” của người Mông. Ngoài vẻ đẹp hoang dại của chúng, loài cây này còn được dùng làm phương thuốc trong Đông Y cổ truyền.
Vì xuất phát từ lán lên đỉnh lúc sớm tinh mờ nên tụi mình quên mất sự hiện diện của loài hoa này lúc trời còn nhá nhem tối. Phải đợi lúc bình minh dần lên, những ánh nắng đầu tiên trong ngày len qua biển mây đằng xa kia thì những mảng hoa tím biếc dẫn lộng lẫy và kiêu hãnh giữa đại ngàn.
Không chỉ là một vài mảng là nguyên cả núi đồi trùng điệp đều có mặt loài hoa này. Người Mông làm nhiều trại chăn nuôi ngựa, dê, bò ở độ cao này. Vừa thong dong leo núi vừa ngắm nhìn những đàn bò thung thăng gặm cỏ bên rừng hoa Chi Pâu đẹp đến nao lòng.
Bình minh trên mây
4h30 sáng. Tụi mình bắt đầu chặng cuối từ Lán nghỉ lên đỉnh. Hôm ấy sắp đến rằm nên trăng khá tròn, đường lên đỉnh không quá tối, cả đám nối đuôi nhau cho kịp ngắm bình minh.
Mặt trời chẳng đợi ai bao giờ, hơn 5h sáng đã ló dạng. Khối núi ngập trong biển mây trắng xóa đón những ánh nắng đầu tiên trong ngày. Đâu đó những khóm hoa tím đu đưa trong gió, tiếng chuông rinh lên từ những đàn bò gặm cỏ ven núi kia như gom hết tất cả những thứ đẹp nhất, bình yên nhất của xứ núi xa xôi này.
Sau những phút bình minh đẹp ngất ngây, vượt 2 con dốc nữa thì lên tới đỉnh. Khác hẳn dưới kia độ cao cách tầm 200 mét với cảnh trời thoáng đãng với gió núi mây ngàn. Thời tiết ở đỉnh Tà Chì Nhù không được tốt, lúc tụi mình lên thì sương mù phủ kín không thấy gì bên dưới. Núi của những hôm trời buồn thấp giăng giăng mây thì trắng xóa, yên bình, tĩnh lặng cả một vùng. Một chút hụt hẫng nhẹ, nhưng rồi vẫn mãn nhãn về khoảnh khắc bình minh và sự sung sướng khi chinh phục thành công núi này.
Về lại với phố núi Trạm Tấu
Sau những giây phút thênh thang đón nắng sớm ở biển hoa Chi Pâu, tụi mình về lại lán ăn sáng rồi xốc balo chuẩn bị xuống núi. Hôm ấy trời chỉ kịp hé nắng đến gần trưa, về chiều trời âm u và có mưa lún phún nhẹ.
Đường xuống núi nhanh hơn lúc lên, nhưng vì địa hình dốc nên đường trơn trượt và dễ ngã do sương ướt đọng lại. Đứa nào cũng phải buộc dây giày thật kỹ để cố định bàn chân không bị dồn về đầu mũi tránh gây đau ngón chân. Đoạn mệt mỏi nhất vẫn là khúc băng suối vòng quanh Mỏ Chì, vì không có lối mòn nên phải băng qua cây bụi và vượt suối dễ té ngã.
Xuống tới Mỏ đã có mấy chú người Mông chờ sẵn, lên xe và về với thị trấn. Trạm Tấu nổi tiếng với nhiều mạch nướng khoáng nóng tự nhiên, ở đây người dân dẫn luồng vào các bể để phục vụ cho người dân và khách du lịch. Điểm cộng và sau hai ngày căng cơ mệt mỏi, bạn có thể ngâm mình trong suối nước nóng để giãn cơ.
Leo núi Tà Chì Nhù cần chuẩn bị những gì?
Đây là một ngọn núi khó leo kèm thời tiết bất ổn định tiềm ẩn những rủi ro không đáng có, vì thế bạn cần chuẩn bị chu đáo những vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Với kinh nghiệm đã từng leo một số núi tầm trung ở Việt Nam và dưới đây là những đồ dùng theo mình là cần thiết đối với 1 chuyến leo núi:
- Balo du lịch: Bạn nên chọn balo có kích cỡ vừa đủ và phù hợp với thể trạng. Tránh trường hợp mang balo quá rộng, dẫn đến việc nhét thêm thật nhiều đồ dùng không cần thiết trong một chuyến leo núi, trekking, làm bạn dễ bị đuối sức. Mang theo bọc ba lô, màu ba lô chọn màu nổi để dễ nhận biết.
- Giày trekking: Chọn giày loại có độ bám tốt, vừa chân hoặc rộng 1 size. Việc di chuyển nhiều nên tránh trường hợp chật quá sẽ gây khó chịu. Đừng quên mang kèm 2-3 đôi tất để có thể thay sử dụng phòng trường hợp giày ướt, thay mới mỗi ngày.
- Túi ngủ: Trong các chuyến leo núi, bạn nên mang theo túi ngủ hoặc chăn mỏng vì thời tiết núi cao rất lạnh, gió mạnh và sương nhiều. Bạn cần giữ ấm cơ thể lấy sức sau quá trình vận động liên lục.
- Gậy leo núi: Đường dốc trơn trượt nên gậy rất cần thiết cho chuyến chinh phục này. Bạn có thể chọn gậy có lò xo đàn hồi, điều chỉnh được độ dài ngắn khác nhau tùy theo chiều cao của bạn, thu ngắn lại dắt sau balô được khi không cần thiết.
- Nước uống và đồ ăn: Đây là nhu yếu phẩm cực kỳ quan trọng, tùy thuộc vào điều kiện ở núi bạn chọn leo để mang theo nước và lương thực vừa đủ. Dù có porter mang đồ ăn cho bạn hay không cũng nên chuẩn bị nước, vài thanh lương khô hay bánh quy để dự phòng,…
- Trang phục: Đồ leo núi thường rộng, có thể co giãn giúp thoải mái khi di chuyển. Quần áo có độ thấm hút và thoát mồ hôi tốt, màu sáng cũng cần thiết cho dấu hiệu nhận biết.
- Các loại thuốc: Chuẩn bị thuốc chống muỗi, vắt, miếng dán chống sốc nhiệt, C sủi giúp hồi phục khoáng một cách nhanh chóng nhất.
- Các thiết bị điện tử: Đồ điện tử rất dễ hư hỏng. Bọc kín nhằm tránh va đập hoặc ướt do mưa, lội suối. Cần mang theo pin dự phòng để đảm bảo điện thoại đủ pin sử dụng chụp ảnh, dò đường, liên lạc.
- Dự báo thời tiết: Khác với các đỉnh núi khác trong dãy Hoàng Liên Sơn, Tà Chì Nhù có nhiều con dốc liên tục, đồi núi trọc nên mưa lớn dễ sạt lở. Vì thế, nên xem trước dự báo thời tiết và check kỹ với Porter về tình sạt lở nếu đi vào những khoảng thời gian mưa gió.
Lời kết:
Nắng thu ở núi rừng Tây Bắc vàng rụm ngọt như rót mật, nắng tràn qua các triền núi, lách qua từng nhành lá ngọn cây rồi dịu dàng ôm ấp tỏa sáng khắp lưng đồi, sườn núi. Bình yên một thoáng khi băng qua những đồi hoa Chi Pâu hoang dại buổi sớm mai đón ánh mặt trời lên trên những tầng mây. Bình yên khi cùng những người bạn đồng hành thong dong nhìn xuống thung lũng thị trấn Trạm Tấu dần hiện ra khi cảnh vật bừng sáng.
Đôi lúc, tôi ví von và hài hước rằng, ngọn núi là phòng gym tuyệt vời nhất thế gian! Mỗi khi lên núi, mình cũng nhận ra những bài học cuộc sống từ thế giới rộng lớn ngoài kia và những sân si của bản thân thật là vụn vặt.
Thêm một mùa mây, thêm một lần tôi băng đèo lên với núi, dẫu biết đấy không phải lần đầu tiên nhưng cảm xúc vẫn cứ vẹn nguyên như lần đầu. Ngày mai, ngày kia hay một ngày tiếp diễn, chắc sẽ lại thêm một lần lên với núi non đại ngàn, trong bước chân mùa thu trong trẻo hòa cùng hương sắc làm nên những thu với những khóm hoa ngang trời.