Sóng gợn Đà giang
Dòng sông Đà “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” từ lâu đã đi vào văn học với tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Nhà văn Nguyễn Tuân đã mô tả “từ trên cao nhìn xuống, con sông Đà uốn lượn, mềm mại như áng tóc của người con gái Tây Bắc kiều diễm, xinh đẹp”. Còn ngày nay dòng sông Đà trở thành “dòng sông năng lượng” với sản lượng điện lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Từ điểm đầu vào đất Việt tại mốc 17 – 18 huyện Mường Tè (Lai Châu) chảy suốt hơn 500 km qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên , Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ với bậc thang 4 thủy điện Pắc Ma, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình có tổng công suất trên 5.640MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện trên 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Thủy điện Hòa Bình
Một ngày cuối đông 2020, tôi cùng nhóm bạn ghé thăm và tìm hiểu về đập thủy điện Hòa Bình, một công trình thế kỷ của đất nước đã đi vào lịch sử cũng như giá trị lớn lao mà nó mang lại.
Theo chân chị hướng dẫn viên đi dọc con đường hầm để vào các tổ máy. Nhà máy đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính, gồm 8 tổ máy phát điện, máy biến áp cường lực… cùng các công trình phụ trợ. Tám tổ máy tổng công suất 1.920 MW, mỗi tổ có công suất 240MW. Phần thân của nhà máy nằm ngầm trong lòng đất. Để chống động đất và thấm nứt, các chuyên gia Liên Xô đã áp dụng kinh nghiệm xây đập thuỷ điện Aswan trên sông Nile (Ai Cập), bằng cách sử dụng kỹ thuật khoan phun xi măng và khoan phụt.
Suốt gần 20km đường hầm, thông suốt giữa khu vận hành và các tổ máy với chỉ những mũi khoan đá thông thường cách đây hơn 3 thập kỷ, phải huy động hàng vạn con người ngày đêm khoan hầm xẻ núi để tạo nên công trình vĩ đại này. Đi giữa ánh đèn điện lung linh, tiếng gầm gừ từ hoạt động của các tuabin làm dấy lên một lòng biết ơn vô bờ. Những dòng điện xuất phát từ đây đã đưa ánh sáng đến khắp nơi trải dọc hơn 2000 km trên mảnh đất chữ S này.
Sau khi tham quan khu tổ máy, tiếp tục đi lên đập chính hồ thủy điện. Nghe giới thiệu về hệ thống vận hành tràn và cửa xả lũ. Đập thủy điện cao 128m, dài 734m hiên ngang trên núi Tượng. Đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả.
Để xây con đập này phải vận hành đào 50 triệu mét khối đất, đá được đổ với hơn 60.000 con người làm suốt gần 15 năm ròng rã. Theo thống kê, lượng đất đá để làm đập có thể đắp thành một con đường rộng 1m cao 1m từ Hà Nội vào Tp.HCM. Nghe những số liệu ấn tượng, đủ để khâm phục, kính trọng và biết ơn hàng ngàn kỹ sư Liên Xô đã giúp đỡ, hàng vạn thanh niên xung phong tham gia xây dựng công trình tầm cỡ Đông Nam Á thời bấy giờ.
Đập thủy điện Hòa Bình vừa có chức năng chuyển thế năng của nước thành điện năng qua các tua bin. Ngoài ra còn có chức năng điều tiết thủy lợi cho khu vực hạ lưu đồng bằng sông Hồng. Ngăn lũ lụt thiên tai, tích trữ nước và xả nước điều tiết việc tưới tiêu cho nông nghiệp theo kế hoạch.
Lời kết:
Đứng trên con đập ở độ cao 128m so với mực nước biển. Con sông Đà vẫn quanh co tiếp dòng chảy lên hướng Bắc nhập với sông Hồng ở Phú Thọ. Con đập vẫn vững chãi qua hơn 4 thập kỷ như minh chứng cho một kỳ tích. Những lớp người đã cống hiến thông kênh dẫn dòng, thông hầm xả nước, đắp tuyến đập chính, chống lũ ngày đêm…trong hàng chục năm trời để chờ ngày đưa dòng điện về tới các miền của Tổ quốc.