Khi màu của nắng cũng nhạt đi cái gắt gỏng của những ngày hè. Khi phố sang thu với những cơn mưa cuối hạ len lỏi qua từng góc phố. Đấy cũng là lúc đất trời vùng Đông Bắc bước vào mùa vụ mới, mùa của những gánh lúa vàng, mùa vụ của ấm no về với bản làng. Lại tất bật quần áo, vé máy bay, lại xếp dọn balo lên đường. Hành trình lên miền viễn biên với những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp để hứng nắng, hứng những bông lúa vàng ươm của trời thu Đông Bắc.
Ngược sông Lô lên Hoàng Su Phì
Bởi vì ủ vùi quá lâu ở phố thị mà quên hết mùi của núi non. Thay vì đi bus lên Hà Giang, chúng tôi chọn xe máy làm phương tiện cho hành trình mùa vàng. Bởi thì thèm cảm giác xe bon bon chạy qua những cung đường ngoằn ngoèo phẳng lặng. Thèm lắm cái lạnh se sắt của mùa thu miền núi phía Bắc, thứ mà dân miền Nam như tôi phải hiếm hoi lắm mới được tận hưởng.
Tạm biệt Hà Nội mùa thu tấp nập và ồn ã, men theo quốc lộ 2 ngược dòng sông Lô đến với huyện Hoàng Su Phì của Hà Giang. Đến lối vào Nậm Ty thì trời đã xế muộn, còn cách bản Phùng đến 60km nên cả đám quyết định sẽ nghỉ chân ở thị trấn Vinh Quang cách chừng 30km. Đường đi cứ uốn lượn cheo leo như dải lụa ai vắt ngang lưng trời. Hoàng Su Phì không trải dài những cao nguyên đá vôi như ở Đồng Văn nhưng lại có mênh mông lúa chín. Với độ cao trung bình trên 1500 mét, mùa hè mát mẻ, mùa đông lạnh và mùa thu thì nắng vàng se lạnh.
Chẳng vội vã, xe cứ lướt từ từ trên con đường đèo bỏ lại những khúc cua xa dần phía sau, hít hà cái không khí trong lành của miền sơn cước. Đường từ Nậm Ty, Tả Sử Choỏng đến thị trấn Vinh Quang xuống cấp khá trầm trọng tạo nên vô số ổ gà cũng như những đoạn đất đá lởm chởm khó đi. Bù lại cho quãng đường xóc nảy không như là mơ thì cảnh sắc hai bên đường lại khiến những kẻ lữ khách mê đắm dịu vợi. Từng nếp nhà đan xen giữa núi rừng với thửa ruộng chín vàng vương khói bếp nhà ai lẫn cả sương núi cứ lẩn quất tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Vì một sự cố nhỏ, xe vấp phải đất đá sạt lở nên xe tôi bị ngã ở một khúc cua. Rất may mọi thứ đều ổn, lọ mọ đến thị trấn Vinh Quang lúc 7 giờ tối.
Khách sạn nằm kề con suối, một trong những nhánh nhỏ chảy ra chi lưu của sông Chảy. Chọn một quán cơm địa phương đông đúc sạch sẽ rồi ăn tối và nghỉ ngơi cho ngày tiếp theo.
Chợ phiên truyền thống vùng cao
Hôm nay là chủ nhật, ở thị trấn có chợ phiên mỗi tuần một lần. Chợ phiên, từ lâu đã trở thành hoạt động văn hóa bản sắc của 14 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại Hoàng Su Phì.
Tờ mờ sáng, dòng người vượt qua những lớp sương mù dày đặc khắp các bản làng về phía trung tâm xã. Chợ phiên đa dạng với những hoa màu nhà trồng, đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ cho đời sống hằng ngày của người dân.Phiên chợ tập trung chủ yếu là người Nùng, Mông đen, La Chí, Dao áo dài. Cảnh người nườm nượp trải dài hơn một cây số đầy sắc màu với gam màu đỏ của người Dao, gam màu chàm của người Tày, Nùng, Cha Chí, sặc sỡ với trang phục đủ màu của người H’Mông…Khắp chợ rộn ràng kẻ mua người bán, người hỏi thăm nhau. Có vài thanh niên cặp kè một vài chú lợn cắp nách vừa tới ngày xuất chuồng được mang ra trao đổi, mua bán.
Chợ họp tới trưa là vãn, bà con lục đục ra về với lỉnh kỉnh những hàng hóa mua được.Trên mặt hiện rõ nét tươi vui bởi họ đã được thỏa cái thú vui được xuống chợ, được trao đổi, được tâm tình.
Cheo leo đường đến Bản Phùng
Sau phiên chợ, chúng tôi lại lên đường đến với bản Phùng. Con đường nhựa nhỏ bé nằm cheo leo nơi vách núi, phía dưới kia lại là chi lưu khác của sông Chảy uốn lượn quanh co qua các thửa ruộng đang chín vàng. Vượt qua gần 30km đường đèo với nhiều đoạn đường zích zắc, gồ ghề khó đi, cuối cùng bản Phùng cũng dần xuất hiện trong tầm mắt. Những mái nhà sàn nép mình bé nhỏ dường như lọt thỏm giữa những thửa ruộng bậc thang. Thật kinh ngạc bởi những đôi tay tài hoa của đồng bào nơi đây, qua bao đời đã làm nên những di sản kỳ vĩ.
“Phùng” có nghĩa là là gặp gỡ, và bản Phùng cũng là nơi gặp gỡ đất trời, gặp gỡ giữa cảnh sắc của thiên nhiên và con người, giữa các bản làng nên thơ của người dân vùng cao hiếu khách với những lữ khách phương xa.
Vừa tới đầu bản, lũ trẻ đã nườm nượp theo đón những vị khách lạ một cách háo hức. Tiếng Kinh còn chưa sành sỏi, những đứa trẻ xúng xính nhiệt tình hết sức dẫn chúng tôi lên tới tận nhà anh Cảm – chủ homestay Trọng Phú. Anh chào mời đon đả, pha cho chúng tôi ấm trà Shan tuyết nổi tiếng. Homestay nằm ở trên đỉnh đồi, thả mắt mải mê nhìn xuống ngắm những dải ruộng xếp tầng tầng lớp lớp xen lẫn những mái nhà chênh vênh giữa sườn núi. Nơi mà người ta thường nói “những dải lụa vàng vắt ngang trời”.
Cảnh ngày mùa rộn rã
Vì đến là trời cùng xế chiều, chúng tôi dùng cơm rồi thu dọn hành trang theo lũ trẻ xuống bản. Theo những lối mòn dẫn đến từng nhà mà xung quanh là ruộng sâu ao cá. Tụi nhóc chạy nhanh đến phụ đập lúa và không quên lựa lọc trong đống rạ làm cho tôi chiếc kèn lúa thổi tò tí te, thanh âm nghe râm ran cả một vùng.
Không khí ngày mùa hiện rõ nét, tất cả công đoạn đều được làm bằng tay. Từ gặt lúa rồi đập, rồi phơi, rồi chà xát tạo thành gạo, tất cả những công đoạn ấy đều từ bàn tay những con người nhỏ bé sống giữa bên trời bên núi này. Tôi cũng sà xuống ruộng, ngồi nghe các cô chú kể những câu chuyện về mùa vụ, về tục khai canh mà cha ông truyền lại, về những nhọc nhằn ngày ngày đắp bờ giữ nước.
Chiều đã dần về muộn, rảo bước đến bên triền đồi nơi thửa ruộng móng ngựa đẹp nhất ở bản Phùng. Khói bên mái nhà ai lãng đãng, người tất bật hối hả với những những bó lúa cuối cùng, ánh nắng cuối ngày dần hắt lên bên chạy dọc khắp nền trời.
Tối đến, được anh Cảm mời rượu ngô cho ấm bụng, thưởng thức món cá chép anh vừa thu. Chúng tôi ngồi nghe anh kể về tục thả cá chép của người La Chí. Khi bắt đầu cấy lúa, cũng đồng thời thả cá trong các thửa ruộng. Cá ăn sâu bọ, hạt thóc rơi xuống. Đến mùa lúa chín, trước gặt khoảng 1 tuần cũng là thời điểm thu hoạch những mẻ cá đồng tươi ngon.
Bình minh trong mây ở rẻo cao
5 giờ sáng, lúc còn ngái ngủ trong lớp chăn dày vì lạnh. Thức giấc vì những tiếng bấm máy “tách, tách” của những người bạn đi cùng. Mọi người đã dậy từ sớm để ngắm bình minh săn mây. Nhưng có lẽ hôm nay chỉ có mây về, bản làng dưới kia còn chưa thức giấc trong làn khói sương mù mịt.
Cầm một nắm xôi nóng hổi, pha một tách cà phê, ngồi ngắm mây chùng chình qua núi, qua những thửa ruộng nom đã vàng rộm hơn hôm qua nhiều lắm.
Chán chê mê mỏi, quàng vội chiếc khăn rồi theo Mánh xuống bản ngắm sương sớm. Khói bếp dần lên trên mái ngói âm dương, những đứa trẻ cắp sách băng ruộng đến trường, những đứa nhỏ hơn tất tưởi theo mẹ ra đồng. Hay cho câu có những đứa bé lớn trên lưng mẹ, hình ảnh những người mẹ địu con ra đồng làm tôi gợi nhớ câu hát “mặt trời của mẹ con nằm trên lưng…”
Lũ trẻ tôi gặp hôm qua nay đã theo bố mẹ ra đồng hoặc tản đi đâu hết. Lặng ngắm những bông lúa nặng trĩu, mây vẫn đang theo gió lởn vởn quanh đồi. Chậc, nhớ tụi nhỏ ghê. Cứ mỗi chuyến đi lên miền cao, mê đắm với những con đèo uốn lượn thì một, còn mê những nụ cười trong veo của lũ trẻ thì mười. Chỉ mới gặp hôm qua, nắm víu lấy tay, thổi một vài hồi kèn lúa cũng đủ nung nấu những yêu thương bình dị đến nhường nào.
Lời kết:
Tạm biệt bản Phùng, tạm biệt những thửa ruộng bậc thang tới tận “đỉnh trời”. Chúng tôi quay ngược ra hướng DT178 để lên Xỉn Mần qua Bắc Hà rồi lên thành phố Lào Cai bắt đầu tiếp hành trình cho chuyến leo núi Lảo Thẩn. Cung đèo cổng trời từ qua những góc cua tay áo khá gắt, những thửa ruộng đang chín vàng vẫn trải dài trên các sườn núi như muốn lưu luyến lữ khách. Dừng chân bên đèo, ngắm nhìn cả đất trời Hoàng Su Phì, những vệt nắng thu chiếu rọi xuống thung lũng như đang tô điểm thêm những nét vẽ cuối cùng cho bức tranh tuyệt sắc của tự nhiên và con người. Thắt chặt balo, leo lên chiếc xe sirius, nổ máy cùng nhau đi qua từng cung bậc cảm xúc của hành trình giữa trời thu Đông Bắc.