Rời Yangon…
Ngày thứ 3 của hành trình. Tôi rời Yangon với nhiều tiếc nuối bởi còn rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng nơi đây chưa kịp diện kiến. Ngược dòng sông Irrawaddy lên phía Bắc hơn 650km, tìm về một miền Phật tích khác. Mà nơi đó những giá trị trường tồn của Phật giáo Myanmar đã rực rỡ từ ngàn năm qua. Đó là thành phố cổ Bagan.
Vương triều Bagan
Xe tờ mờ sáng đưa tôi đến với cửa ngõ lối vào Bagan, hai bên đường cổ kính với những tòa tháp, đền chùa ẩn hiện.
Đi xuyên qua kinh đô cũ của vương triều Bagan. Lịch sử ghi rằng, Bagan (trước đây gọi là Pagan) từng là thủ đô của Myanmar (Miến Điện) trong hơn 230 năm từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Người có công đưa Bagan thành một đế chế hùng mạnh chính là vua Anawrahta. Ông đã thống lĩnh và hợp nhất nhiều tiểu vương trong khu vực thành một quốc gia hùng mạnh bậc nhất thời bấy giờ.
Mặc dù Phật giáo đã có mặt trong lịch sử Myanmar từ rất sớm, từ thời vua Asoka (Ấn Độ) vào thế kỷ III trước Công nguyên truyền đến. Thế nhưng phải đến triều đại vua Anawrahta, ông đã đặt viên gạch làm bước đệm trong lịch sử phát triển của Phật giáo. Đặc biệt là phát triển Phật giáo tiểu thừa nguyên thủy vào TK XI lên một tầm cao mới. Đưa Bagan tở thành trái tim Phật giáo Myanmar và là trung tâm tôn giáo lớn của Châu Á.
Vương triều Bagan có thời kì hoàng kim từ năm 1057 bắt đầu từ đời vua Anawrahta và chấm dứt năm 1287 khi vó ngựa của Mông Cổ tiến đánh thôn tính vùng đất này. Thời còn thịnh thế, người ta ước tính có 10.000 ngôi đền rải rác trên thung lũng Bagan. Kèm theo đó là hệ thống tường rào bằng gạch bao bọc, xây từ TK XI với 12 cửa tương ứng với 12 cung hoàng đạo trong khoảng không lên đến 26 dặm vuông. Tuy nhiên, qua những biến cố của lịch sử, thời tiết và trận động đất lịch sử vào năm 1975 đã khiến nhiều ngôi đền đổ nát, hệ thống tường thành cũng lụi tàn hoàn toàn, chỉ còn một vài dấu tích và một cửa ra vào thành.
Hiện nay, chỉ còn khoảng hơn 2000 chùa tháp được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nhiều ngôi chùa tháp trong số đó vẫn cổ kính, uy nghi, vĩ đại, tráng lệ. Về quy mô của quần thể, đa dạng về lối kiến trúc ở đây có thể sánh ngang với Angkor Wat ở Cambodia hay Borobudur ở Indonesia.
Bình minh Bagan
Không chỉ với tôi mà bất cứ ai đến với Bagan cũng đều muốn chiêm ngưỡng thời khắc huyền ảo nhất của vùng đất này – bình minh và hoàng hôn Bagan.
5 giờ sáng, tôi đứng tại đây, cách triều đại của vị vua kính mến Anawrahta gần một nghìn năm. Ở trên tầng cao của ngôi đền Shwesandaw Paya của ông để hướng mắt nhìn toàn cảnh đồng bằng Bagan rực rỡ dưới ánh mặt trời lên với cảnh khinh khí cầu bay lơ lửng trên hàng ngàn ngôi chùa cổ kính.
Dường như cảnh vật, con người nơi đây đều dừng lại với thời gian từ ngàn năm qua khi vua Anawrahta biến thung lũng Bagan trở thành một vùng thánh địa Phật giáo cực thịnh. Ông đã mang về Bagan nhiều thánh tích, kinh điển Phật giáo, nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư qua các cuộc chinh phạt các quốc gia láng giềng. Để từ đó ông và những vị vua kế vị đã kế thừa và cho xây dựng quần thể đền chùa, bảo tháp kéo dài gần 300 năm mà cho đến ngày nay hậu thế cũng phải sững sờ vì sự kỳ vĩ của nó.
Myanmar ngày nay đã mở lòng hơn với thế giới sau hàng thập kỷ ẩn mình đầy biến động chính trị, kèm theo cấm vận từ Hoa Kỳ. Từ khi mở cửa nền kinh tế, Bagan dần được nhiều người biết đến hơn, thu hút hàng triệu lượt hành khách hành hương về đây. Những bức ảnh về Bagan dần được quảng bá trên các tạp chí nổi tiếng, không thể không ghi nhận “Bình minh Bagan” được mệnh danh là một trong những điểm ngắm bình minh đẹp nhất thế giới.
Di sản bên dòng Irrawaddy
Những ngày ở Bagan là những buổi đạp xe quanh quẩn khắp cả thung lũng hay lúc leo lên sân thượng của những ngôi đền để thưởng ngoạn. Nhìn bao quát, hầu hết các ngôi đền ở đây trông khá giống nhau. Nhưng khi khám phá sâu vào miền thánh tích này, từng hình dạng kiến trúc ở Bagan đều mang một ý nghĩa tâm linh riêng biệt. Cho dù thông qua phong cách kiến trúc, bảo tháp, phù điêu bên trong, những bức bích họa lộng lẫy, tượng Phật, âm thanh do những chiếc chuông nhỏ bé bay múa trong gió, hay đơn giản là quang cảnh và môi trường xung quanh. Tất cả chúng đều khác nhau.
Có muôn vàn vẻ đẹp cố hữu ở khắp nơi trên vùng đồng bằng khô hạn ven sông Irrawaddy này. Một nơi chứa đựng quá nhiều điều bí ẩn, thông qua kiến trúc đổ nát, những bức phù điêu, những bức bích họa đầy màu sắc và những bức tượng Phật mạ vàng tráng lệ. Bagan là vùng khảo cổ quan trọng của Đông Nam Á với những tư liệu lịch sử, kiến trúc phức tạp và vẻ đẹp cổ kính sánh ngang với các thánh địa như Machu Picchu và Angkor Wat. Vùng di sản này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Người xưa Bagan luôn hun đúc một di sản là niềm tin về Phật giáo, từ nhà vua quý tộc hay dân thường đều tin rằng, xây dựng một ngôi đền là để tích lũy công đức và phước báu quý giá cho thế hệ mai sau. Lòng sùng đạo của các vị vua, tâm thế sống của người dân Bagan một lòng hướng Phật. Trải qua gần 1000 năm, lòng mến mộ ấy vẫn chưa bao giờ phai.
Lời kết
Những ngày rong ruổi trên khắp đất Phật Myanmar, mỗi ngày qua đi khiến lòng tôi trầm lại với thời gian, mỗi bước chân trần đi trên nền gạch di sản ngàn năm là từng bước thấu hiểu. Vì sao ở đây, Phật giáo luôn trường tồn ở miền đất khô cằn này với niềm tin mãnh liệt, với những công trình di sản trường tồn mãi với thời gian.
1 comment
mỗi lần được đi nước ngoài là hạnh phúc tới nóc luôn á, em bị ghiền đi từ cái lần đầu đi Koh Rong xong thấy plankton xong dính luôn ko dứt nổi cái đam mê được khám phá đó đây, 2 năm rồi ko được đi đâu buồn chân ghê gúm. Đọc xong chiếc blog nho nhỏ của anh đam mê ngày nào lại trỗi dậy, ko những đi chơi mà còn trải nghiệm và tìm hiểu văn hoá mỗi nơi mà anh đến 👍👍👍, chúc chiếc blog này của anh được nhiều người biết đến hơn nhaa !