Cố đô Mandalay
Trong những ngày rong ruổi trên chiều dài đất nước Myanmar, thời khắc làm tôi ấn tượng nhất là của buổi chiều hoàng hôn. Mọi nghi thức cầu nguyện, bóng dáng liêu xiêu của những những nhà sư khất thực, cảnh đúc tạc tượng, cảnh làng quê… mọi thứ dường như trầm ổn hẳn khi tiếng chuông chiều ngân vang trên những ngọn tháp cao vút trên nền trời bên dòng sông Irrawaddy – dòng sông lớn nhất Myanmar.
Mandalay, thành phố lớn thứ hai (sau Yangon) ở Myanmar, một trong những điểm đến mà hầu như bất cứ ai đến với miền đất Phật Burma đều ghi dấu vào hành trình của mình. Và khi nhắc đến Mandalay, ngoài cung điện vương triều Konbaung, những đền chùa Phật giáo nổi tiếng, chúng ta không thể không nhắc đến cái tên U Bein, một cây cầu gỗ lâu đời nhất, dài nhất, độc đáo nhất Myanmar.
Cầu Ubein – cây cầu gỗ già nua bên hồ Taungthaman
Khoảng 4 giờ chiều, hàng ngàn du khách khắp nơi đổ về thị trấn Amarapura cách thành phố Mandalay gần 20km về phía nam. Họ đến đây để làm gì, đơn giản là để nhìn ngắm những khoảnh khắc cuối cùng trong ngày trên cây cầu U bein – cây cầu gỗ Teak dài nhất thế giới.
Cầu U Bein dài 1,2 km nối liền hai dòng của hồ Taungthaman, nối cố đô Amarapura với một ngôi làng nhỏ bên kia hồ. Cầu được xây dựng vào năm 1850 từ nguồn gỗ Teak dư thừa từ cung điện cổ xưa bỏ lại sau sự kiện vua Mindon dời đô đến Mandalay. Cầu được đặt theo tên của thị trưởng Amarapura, chính ông U Bein là người đã nảy ra ý tưởng tận dụng những khối gỗ không sử dụng đến của cung điện để dựng cầu. Cũng vào thời điểm đó, không có các phương pháp đo lường xây dựng hiện đại, các kỹ sư đã phân chia chiều dài các cột tương xứng theo cách đếm bước chân của họ. Cầu được thiết kế với hàng ngàn tấm ván gỗ và hơn 1000 cột trụ nâng đỡ bên dưới, và điều kỳ lạ là khi xây dựng cầu, người ta không sử dụng bất cứ một cây đinh nào. Qua gần 200 năm, một số cột gỗ đã bắt đầu hư hỏng, được thay thế bằng một số cọc bê tông nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng cổ kính của nó.
Chiều cứ dần dà buông xuống ửng vàng cả lòng hồ, hai bên cầu là những làng mạc, chùa chiền cũng những nếp sống yên bình của người dân địa phương. Những con thuyền đang xuôi dòng chở du khách về gần cầu U Bein. Cuộc sống người dân vẫn bình lặng, êm đềm không hề thay đổi dù mỗi ngày có hàng ngàn du khách lũ lượt đến đây để ngắm nhìn kiệt tác này khi đài CNN của Mỹ bình chọn cầu U Bein là một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
Cùng hòa vào dòng người đi trên cầu, sự cổ kính bình dị và gần gũi ngắm nhìn các nhà sư thong dong rảo bước từ bên kia cầu. Hàng ngàn ghe xuồng về dần cầu U Bein, đến bên một cây cầu gỗ Teak, đến một làng nhỏ ven hồ Taungthaman để một lần trong đời chứng kiến một kiệt tác của thiên nhiên hòa quyện cùng một kiệt tác của con người. Một kiệt tác luôn hòa quyện mãi với thời gian.
Lưu ý khi ghé thăm cầu U Bein:
Bạn nên ghé thăm Ubein vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Khoảng thời gian này, trời không mưa và mực nước trên hồ Taungthaman xuống thấp, thời điểm lý tưởng cho bạn chiêm ngưỡng và chụp những tấm ảnh ưng ý nhất.
Mùa mưa từ cuối tháng 4 đến tháng 10, lúc này thường có mưa, nước hồ dâng cao đến các tấm ván không thích hợp cho việc tham quan.
Lời kết:
Hy vọng rằng bạn sẽ không bỏ lỡ điểm đến hấp dẫn này trong chuyến du lịch đến miền đất Phật Myanmar, để bổ sung vào bộ sưu tập những hình ảnh bình dị nơi này. Bất kể bạn đến U Bein vào buổi sáng sớm hay buổi chiều tối đều có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nó. Đến vào lúc bình minh để có thể ngắm nhìn thị trấn đang dần thức giấc; dòng người người dân địa phương tấp qua lại. Đến vào thời khắc hoàng hôn để thấy những cảnh đời lam lũ, mưu sinh, đi tìm miếng cơm manh áo với những hoạt động bên làng chài. Cây cầu gỗ U Bein, cung điện hoàng gia cùng hàng ngàn đền tháp mà các vương triều Bagan, Mandalay, Amarapura, Taungoo để lại trên khắp đất nước Myanmar đã khiến cho hậu thế hôm nay cũng phải sững sờ vì sự kỳ vĩ của nó.