Varanasi
Varanasi còn được gọi là Banares hay Banaras, tên gọi Varanasi có nguồn gốc xuất phát từ điểm giao nhau của hai con sông Varuna và Assi, thuộc bang Uttar Pradesh Ấn độ. Đây là thành phố cổ xưa nhất có con người sinh sống cách đây khoảng 3000 năm trước công nguyên, nghĩa là xưa cũ hơn bất cứ thành phố nào có mặt trên trái đất này. Trong các huyền thoại hay sử thi Hindu đều nói rằng Varanasi do thần Shiva dựng lên và đây cũng là nơi ngài cư ngụ. Sự phát triển về mọi mặt về tâm linh tôn giáo, học thuật đã làm cho Varanasi nổi tiếng với chiều dài lịch sử. Đây chính là thánh địa linh thiêng gắn liền với nhiều nhà hiền triết của các tôn giáo: là nơi cư ngụ của thần Shiva theo Hindu giáo, nơi Đức Phật Gautama với bài thuyết pháp đầu tiên “Tứ diệu đế” và đức Mahavira – người sáng lập đạo Jain…
Đường đến thánh địa Varanasi
Từ thành phố Agra, tôi lên một chuyến tàu đêm vượt hơn 650km theo hướng Đông Nam để đến với Varanasi. Mới 4 rưỡi sáng, tàu đến bến, bắt một chuyến Jeep về homestay trong tình trạng mớ ngủ. Hai bên quốc lộ mọc lên san sát những ngôi nhà lợp tranh xơ xác, cũng có những ngôi nhà xây được bằng gạch thì không tô bên ngoài. Chiều cao mái chỉ vừa đủ để cúi khom người chui vào. Mái lợp được dằn bằng lốp xe đủ loại để tránh gió. Hôm tôi đến là lễ hội Holi. Vào đêm hôm trước, người dân xếp phân bò để sưởi ấm, xung quanh là những vệt vẽ đầy sắc màu, mọi người quây quần ca hát nhảy múa chào mừng lễ hội sắc màu lớn nhất trong năm.
Varanasi vẫn cũ kỹ như trong các sách báo tạp chí hay trong các thước phim phóng sự như những huyền thoại mà hàng ngàn năm qua vẫn nhắc về nó.Tôi phải băng qua những con ngõ chật hẹp để đến căn homestay của mình. Căn nhà xập xệ như thể chưa từng tu sửa gì. Đi kèm với đó là sự nhếch nhác đầy rác thải và phân bò. Những đền thờ Ấn giáo, Hồi giáo nằm lẫn lộn và thật khó khăn để hình dung đây là Varanasi, trung tâm văn hóa của nền văn minh Ấn Độ, cội nguồn tâm linh của tôn giáo lớn thứ ba trên thế giới.
Sông Hằng (The Ganga)
Sông Hằng (Ganga) dài 2510 km, “Ganga” là tên một nữ thần con của thần núi Himalaya. Phát xuất từ nhiều nguồn chính trên dãy Himalaya, sông Hằng chảy xuống Bắc Ấn xuyên qua bang Bihar, qua các thành phố lớn như Varanasi, Patna, Allahabad Murshidabad… rồi đổ ra vịnh Bengale. Theo huyền thoại, sông Hằng không có nguồn gốc từ Trái Đất mà xuất phát từ “Thiên đường”. Thần Shiva – vị thần tối cao của Hindu đã đưa nước của nữ thần Ganga từ trên thiên đường chảy qua tóc và chân của Ngài xuống hạ giới để gột rửa linh hồn của những vị hoàng tử theo lời thỉnh cầu của nhà vua xứ Sagara. Để nhớ đến công ơn của nữ thần, người dân đặt tên cho dòng sông thiêng liêng này là “Ganga” và xây những những đền thờ để thờ cúng, thực hiện các nghi lễ hằng ngày.
Dòng chảy của sông Hằng ở Ấn Độ từ Bắc xuống Nam. Riêng tại Varanasi, sông Hằng chảy từ phía Nam ra phía Bắc, về nơi đầu nguồn Himalaya. Vì vậy, tín đồ Hindu tin rằng trên mảnh đất Varanasi này, sông Hằng chảy hướng lên thiên đàng, những ai theo Hindu, trong đời ít nhất một lần hành hương về đây, đắm mình trong sông Hằng để thanh tẩy tất cả mọi tội lỗi của trần thế.
Sông Hằng là dòng sông biểu tượng vĩnh hằng của tiểu lục địa Ấn Độ, hàng năm đã có hàng trăm triệu người dân Ấn và du khách từ mọi quốc gia đến viếng thăm. Người Ấn theo Hindu giáo luôn mong muốn rằng trong đời mình phải có ít nhất một lần được đến và tắm gội trong dòng sông linh thiêng này. Đối với họ, nước của sông Hằng, được gọi là Ganga jal, sở hữu năng lực thiêng liêng có khả năng làm sạch linh hồn và chữa lành cơ thể, sử dụng nước để làm sạch các đồ vật nghi lễ, tượng trưng thanh tẩy mình trước các nghi thức và lời cầu nguyện, và thậm chí uống nước để giúp đỡ bệnh tật. Nhiều gia đình Ấn để sẵn trong nhà một vại nước đem về từ sông Hằng. Nếu người hấp hối được cho uống một ít nước sông Hằng thì đó là một điều phước báu. Sau khi chết, nếu tro thiêu được rải xuống sông Hằng, thì linh hồn sẽ được thăng hoa trong cõi thánh thần.
Các nghi thức ven sông Hằng
Tắm và nghi lễ Aarti
Mọi người đều nói sông Hằng đẹp nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn. Mỗi ngày ở Varanasi, ngày hai lần đều đặn tôi cuốc bộ ra sông Hằng vào lúc rạng sáng ngắm bình minh lên và lúc trời nhá nhem tối ngắm hoàng hôn buông xuống. Người dân lao động Varanasi dậy rất sớm. Các hàng quán nhỏ đã mở thơm nức mùi Chai. Các người bán hoa bày trí và kết đèn, người lái đò với những thanh âm đồng điệu, tiếng gọi nhau, tiếng va chạm của vật dụng, xe cộ, tiếng mời chào bán hàng…xôn xao cả một vùng. Đối với họ, một ngày mới bắt đầu bằng cách đắm mình trên dòng sông này để gột rửa, thanh lọc những tội lỗi, và cũng để cầu nguyện những điều may mắn, tốt đẹp nhất sẽ đến trong ngày.
Tôi thuê một cái xuồng nhỏ ra sông để ngắm nhìn nhịp sống buổi sớm mai ở thành phố linh thiêng này cũng như xem các tu sĩ (Pandit) tiến hành nghi lễ Aarti (được thực hiện vào bình minh và hoàng hôn mỗi ngày) – nghi thức dâng đất, nước, lửa gió, hoa, cúng dường đến Mẹ sông Hằng, biểu tượng cho Lòng Từ (karuna) ôm ấp chở che cho cuộc sống nhân loại. Các tín đồ vây quanh hòa mình vào nghi thức và cầu nguyện… Người ta thả các dĩa hoa có gắn nến lênh đênh theo con nước để cúng dường con sông thiêng và các vị thần thánh.
Nghi thức thiêu xác bên sông Hằng
Giáo lý của đạo Hindu cho rằng những ai qua đời ở Varanasi, và thi thể được an táng dọc con sông, sẽ được giải thoát khỏi kiếp luân hồi sự sống và cái chết. Đi dọc ven sông, bên kia là bãi bồi cát trắng, giữa điểm đầu và cuối của khúc sông chuyển hướng có ba ngôi đền đặc biệt, trong đó Manikarnika Ghat là ngôi đền lớn nhất tiến hành các lễ nghi hỏa táng, thủy táng với hơn 300 lần mỗi ngày. Lễ thiêu (Cremation) cũng được thực hiện ở đây, sau đó tro được rải xuống sông. Bạn sẽ bắt gặp những người già, cơ nhỡ, lang thang, dành chút hơi tàn cuối cùng của cuộc đời về đây nương tựa, cầu nguyện và tĩnh tâm cho nên khi chết đi họ có ước nguyện được về với dòng sông mẹ.
Việc hỏa táng được thực hiện theo trình tự:
– Trước tiên, người khuất sẽ được “tắm” qua nước sông Hằng, được phủ đầy hoa và miệng họ ngậm nước thánh, người chết là con trai sẽ được đặt nằm ngửa, phụ nữ thì sẽ hỏa táng úp mặt.
– Thi thể được rước lên dàn củi, loại củi dùng để thiêu có tên là “đàn hương” chất củi đốt thi thể nhưng không tạo mùi. Trên giàn thiêu, người trưởng nam trong gia đình sẽ lấy lửa “thần” từ bên trong ngôi đền dẫn ra bờ sông để châm lửa.
– Sau khi châm lửa, thời gian thiêu mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, trường hợp khi thiêu mà hộp sọ của người chết vang tiếng nổ thì có nghĩa là gia đình của họ luôn gặp may mắn, người chết đã được lên thiên đàng, ngược lại, nếu hộp sọ chưa nổ, sau khi hết lửa, người đại diện đưa tang sẽ là người đập vỡ hộp sọ ấy.
– Bước cuối, tro cốt sau hỏa táng được trải xuống sông Hằng.
Với nghi thức hỏa táng này, họ tin rằng những người chết linh hồn sẽ được bay lên thiên đường.
Dọc theo bờ sông Hằng là các đền thờ và các bậc xây bằng đá để tín đồ có thể bước xuống mặt sông, người ta gọi những kiến trúc này là Ghat. Có những Ghat rất cũ xây từ hàng ngàn năm trước. Người Ấn giáo thực hiện các nghi lễ hai bên bờ sông tại các Ghat này. Thực vậy, nhìn những ánh lửa bập bùng trong nắng sớm và khói tỏa ra từ các lễ thiêu xác bên cạnh dòng sông vắng lạnh, khó ai tránh khỏi liên tưởng đến cái tử sinh phù huyễn của kiếp người.
Rời ngôi đền hỏa thêu Manikarnika Ghat với nhiều xúc cảm khó quên. Tôi tiếp tục rảo bước và đếm từng Ghat dọc hai bên bờ sông. Nhìn kia, những người phụ nữ trùm Sare kín đầu, trang phục truyền thống với đủ màu sắc. Những vòng hoa nhài, hoa lan, hoa nguyệt quế được trang trí đẹp mắt, khách ghé mua để thả trên sông nguyện cầu may mắn, có một số các đĩa hoa có gắn nến được thả trôi theo dòng nước để cúng dường mẹ sông Hằng và các vị thần thánh.
Rời Varanasi với lòng còn ngổn ngang những cảm xúc. Cảnh hỏa táng vẫn như in dấu ấn trong tôi khó thể nào quên. Trong suốt hàng ngàn năm qua ở Varanasi, những nghi thức hỏa táng, thủy táng và các nghi lễ khác hầu như vẫn được duy trì như thế, không có gì thay đổi. Nếu bạn tìm kiếm những lòng nhiệt thành với tôn giáo, hãy đến với Varanasi, nhắm mắt lại và cảm nhận thế giới xung quanh mình…
Làm thế nào để đến với Varanasi?
Thời gian lý tưởng nhất để viếng thăm Varanasi?
Từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là thời gian lý tưởng nhất để lên kế hoạch cho một chuyến viếng thăm Varanasi. Đây là lúc thời tiết mát mẻ nhất, vì là mùa đông nên thời tiết rất dễ chịu, mặc dù hơi lạnh vào ban đêm. Tháng 4 trở đi thời tiết nóng gắt, nhiệt độ có thể lên đến 40 độ và tiếp theo là mưa gió mùa từ tháng 7 đến tháng 9.
Lựa chọn phương tiện đến Varanasi?
Varanasi nằm ở bang Uttar Pradesh, cách thủ phủ Lucknow khoảng 300km.Thành phố có một sân bay và có các chuyến bay thẳng từ các thành phố lớn ở Ấn Độ như Delhi, Kolkata, Mumbai, Lucknow và Khajuraho.
Với mạng lưới đường sắt rất phát triển, nhiều người chọn đến Varanasi bằng tàu hỏa. Mất tối thiểu 8 giờ từ Kolkata, 10 đến 12 giờ từ Delhi và khoảng 30 giờ từ Mumbai, 11 giờ từ Agra. Nhà ga chính ở Varanasi là Varanasi Junction hoặc Varanasi Cantt (mã là BSB). Varanasi Junction cách trung tâm hành hương khoảng 5km, từ đây bạn có thể bắt một chiếc xe Jeep với giá 200 Pupee để về khu vực gần nhất của khách sạn.
Những trải nghiệm nên làm?
Điều bạn nên làm là đi dạo bên dòng sông và ngắm nhìn cuộc sống, hòa mình vào bầu không khí trang nghiêm và quan sát những gì đang diễn ra ở các ghats ven sông Hằng (các bậc thang dẫn xuống sông).
Một trải nghiệm không thể bỏ qua là đi thuyền trên sông Hằng vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Bạn nên đi hai lần, vào cả hai thời điểm, bởi vì bầu không khí khác nhau và bạn sẽ thấy những điều khác nhau khi một chiếc thuyền chèo đơn giản để ngắm nhìn những khoảnh khắc khó quên trong đời.
Ganga Aarti (lễ cầu nguyện)
Ganga Aarti diễn ra vào lúc chiều tối tại Dasaswamedh Ghat và buổi sáng sớm tại Assi Ghat. Bạn nên dành thời gian này để tận hưởng không khí đầy trang nghiêm ở thành phố thánh địa này.
Các vùng lân cận
Bạn nên dành một ngày để thực hiện một chuyến đi đến Sarnath, cách trung tâm hành hương Varanasi khoảng 30 phút đi xe Jeep. Đây là một trong 4 thánh địa của Phật giáo – nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên. Trái ngược với không gian xáo động của Varanasi, Sarnath là một nơi yên bình, nơi bạn có thể đi lang thang quanh những khu chứng tích và tàn tích của các bảo tháp Phật giáo.
Nếu bạn thuê xe Jeep cho một ngày đến Sarnath, tài xế sẽ đưa bạn đến thăm các làng dệt may xung quanh Varanasi như gồm Sarai Mohana Kotwa và Ayodhya Pur. Nghề dệt ở đây rất phát triển và đạt mức độ tinh tế rất cao, bạn có thể lựa chọn mua về làm quà.
Nơi ở
Lời khuyên là bạn nên chọn một khách sạn quay mặt ra sông Hằng để có thể theo dõi tất cả những gì đang diễn ra dọc theo hai bên bờ sông. Tuy nhiên, hầu hết các khách sạn này phải đi bộ đến nên bạn cần lưu ý về khoản hành lý mang theo.
Văn hóa và Phong tục
Có rất nhiều trò gian lận bạn cần đề phòng. Phổ biến nhất là những lời chào mời ở Manikarnika Ghat (khu hỏa thiêu chính), những người phụ trách ở đây sẽ giới thiệu về quy trình thiêu xác và sau đó yêu cầu bạn quyên góp gỗ cho giàn hỏa thiêu – bạn sẽ phải trả ít nhất 10 lần so với giá trị của gỗ. Mình đã gặp phải tình huống này và phải chi mỗi người 1000 Rupee cho việc đóng góp gỗ cho việc hỏa thiểu những người vô gia cư ở đây.
Chụp ảnh ở khu hỏa táng, thủy táng là một điều tối kỵ, vì thế bạn nên lưu ý khi tham quan ở đây.
Ăn gì và uống gì
Ẩm thực ở Varanasi khá ổn với các món truyền thống. Nếu bạn muốn thay đổi thì ở đây cũng có các quán ăn nhỏ chuyên bán các món ăn Hàn, Nhật, Ý, Trung Quốc, vì thế bạn yên tâm nếu không hợp khẩu vị người Ấn thì có thể đến ăn ở đây.
Ấn Độ ngoài món Chai thần thánh còn nổi tiếng với đồ uống sữa chua Lassi hương trái cây truyền thống (một số người nói rằng chúng ngon nhất ở Ấn Độ). Blue Lassi là điểm nổi tiếng với những món Lassi ngon không thể chối từ.
Vì Varanasi là một thành phố linh thiêng, nên không được phép uống rượu xung quanh các ghats và đền thờ.
Lời kết:
Đến thăm Varanasi để chiêm bái Thánh tích Phật Giáo Sarnath, cũng như chiêm ngưỡng một bảo tàng sống về văn hóa truyền thống đặc sắc của Hindu giáo. Dòng sông của quá khứ, của hiện tại, dòng sông ấy đã chứng kiến bao kiếp người rũ bỏ báo thân vật lý này để cầu mong được giải thoát, Dòng sông ấy vẫn chảy, nuôi nấng những lớp người lớn lên và tín nhiệm với đức tin tôn giáo.
Nếu bạn đang tìm kiếm những điều mầu nhiệm, tâm đủ để đi vào hành trình huyền diệu đi vào trái tim của Ấn Độ, để trải lòng mình trên sóng nước sông Hằng. Bên dòng sông ấy, người ta vẫn trầm mình xuống sông để cầu nguyện, cách đó không xa, có người cũng rời xa cõi tạm này trên những giàn hỏa thiêu bập bùng ánh lửa. Đừng băn khoăn khi bạn chưa hiểu hết, hãy để tâm hồn được tự do, được đến và hòa mình vào không khí trang nghiêm của miền đất thánh địa này.